Chào mọi người,
Quá lâu chúng ta không gặp nhỉ?
Tôi đợi mãi cuối hè và thật sự hết hè để có thể viết bài này, để chào tạm biệt một “Mùa hè sôi động” đáng nhớ.
”Sôi động” không nhất thiết phải là làm một cái gì đó thật tưng bừng ra bên ngoài. Đôi khi lòng mình luôn ‘sục sôi’ về những ký ức cũng là một dạng ‘sôi động’.
Tầm này 5 năm trước, chuyến hành trình Đạp Xe Xuyên Việt của tôi cũng đã lăn bánh những vòng xe cuối ở trạm dừng chân Sài Gòn. Thế là cả đoàn có vài ngày nghỉ ngơi trước khi mọi người lên xe lửa trở về nhà, chia tay nhau Nam – Trung – Bắc.
Khi tôi viết những dòng này, cảm xúc ngày chia tay 13/8/2019 vẫn còn rõ mồn một. Cái cảm giác bất lực, vô định khi nhìn những bánh xe của tàu đang lăn bánh. Rồi trong chốc lát, mọi thứ như thước phim tua ngược cả mùa hè điên khùng.
Bài kiểm tra 5 năm sau Xuyên Việt?
Tôi thật sự không biết vì sao mình luôn có trí nhớ tốt với những ngày tháng và sự kiện đi liền với nó (vẫn trộm vía khi nói câu này nhé). Khi chưa cần đến sự trợ giúp của Memories trên Facebook hay Google Photos, tôi thường có phản xạ là đã có một điều gì đó từng xảy ra vào ngày này.
Phải chăng cách gắn những câu chuyện đi liền ngày tháng là cách dễ nhất để tôi không quên mất những ký ức đẹp đẽ?
Đi
Tôi ví chuyến đi Xuyên Việt của mình là một cái cây trồng lâu năm, vì tôi nuôi mãi ước mơ đó tận 6 năm kể từ 2013 và đến 2019 mới thực sự làm được nó.
Tôi chỉ biết rằng ngày còn nhỏ mình thích đi lắm, nhưng điều kiện chưa cho phép.
Dù không biết bơi thì vẫn thích biển, thích cái màu xanh của biển.
Dù chưa từng leo ngọn núi nào vẫn thích cứ nhìn chằm chằm vào những chiếc ảnh núi rừng Việt Nam được cài làm màn hình desktop.
Mầm cây được gieo, tưới nước rồi cũng thành cây thôi.
Thế là tôi làm được thật.
Một chuyến đi lớn nhất của tuổi 20 để bắt đầu những chuyến đi khác mà bản thân chỉ biết ước khi lật giở những trang sách của thời đi học.
Hồi còn bé, tôi siêu thích những nét vẽ trong sách giáo khoa Tiếng Việt thời tiểu học, tôi lấy làm lạ với những chiếc áo khoác mùa đông được chụp trong quyển Khoa học và xã hội, và nhiều câu hỏi được đặt ra mỗi khi học môn Địa Lý khu vực miền Bắc.
- “Nơi này lạnh lắm à?”
- “Mấy dãy núi này sẽ trải dài và cao thật cao như thế nào?”
- “Mình muốn được nhìn thấy ruộng bậc thang mùa lúa chín”.
Kể từ ngày xuyên Việt kết thúc, một cánh cửa khép lại để mở ra nhiều cánh cửa khác mới lạ hơn.
Bên cạnh việc học để tốt nghiệp đúng hạn, tôi luôn dành một khoảng tiền tiết kiệm để trở lại thăm Bắc, thăm những người bạn trong chuyến đi năm ấy và cùng họ đi tiếp những vùng đất phía Bắc.
Từ Tà Xùa đến Hà Giang, Cao Bằng rồi đi ăn đám cưới của một người chị trong đội ở Điện Biên, tiện thể đi lên cực Tây Việt Nam, cùng với những người bạn đó.
Viết
Trong bài viết Những mảnh ghép ký ức, tôi có đề cập mình đã viết tổng cộng 43106 từ “sau chuyến đi” trong file nhật ký. Vâng, là sau chuyến đi tận 1 năm theo dạng nhật ký hành trình và nhớ lại xem ngày hôm đó mình đã đi đâu, làm gì, cảm xúc ra sao, chơi với ai…
Phải là sau một năm mới viết, vì trong lúc xuyên Việt lo đạp miết có thời gian đâu mà viết? 🥲
Nhưng cũng không viết hậu xuyên Việt, vì thời điểm đó với tôi là khoảng thời gian cần hòa nhập cộng đồng nhất. Nếu càng viết, tôi biết mình khó mà dứt ra được chuyến đi để hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Lúc đó, tôi chỉ đơn giản dùng những điểm neo quan trọng là các bài viết cũ đã đăng trong album, xong rồi dạo sang hình ảnh của bạn bè cũng chia sẻ, thế là bắt đầu kết nối những mắt xích câu chuyện theo trí nhớ của mình.
Hình ảnh, những dòng trạng thái cũ, cảm xúc, thậm chí cả mùi hương và mỗi khi nhắm mắt lại cũng khó mà quên được bàn chân đã mỏi như nào mỗi khi nhấn bàn đạp cho mỗi vòng lăn bánh.
Sau này, trải qua nhiều lớp học viết và học cách ghi chú khi đọc sách, một trong các mấu chốt tôi học được trong việc viết lại những ký ức đó chính là “Cảm xúc”.
Dĩ nhiên các yếu tố khác như hoạt cảnh, lời thoại vẫn rất quan trọng nhưng để bản thân nhớ được một sự việc rõ hình hài, nhưng cảm xúc mà ta đối mặt với sự việc đó cũng góp phần không kém trong việc viết lại ký ức.
Nếu vui có thể tôi sẽ viết lại câu chuyện đó bằng ngôn từ tích cực, hài hước cũng có.
Nếu buồn, chả trách được bài viết đọc vô chỗ nào cũng nặng trĩu.
Đa phần chuyến đi năm ấy của tôi là vui vẻ, và rất nhiều đoạn vô tri, chẳng hạn như lơ đễnh để mất cái áo ở cuối Hà Tĩnh rồi lại tìm được một cách thần kỳ ở Quảng Bình.
Tôi có thể chẳng nhớ chính xác lý do bị mất nhưng rõ ràng lại cảm nhận được cảm xúc hoang mang khi mất đi cái áo của mình. Và rồi, một đoạn văn lại được viết ra, những ký ức kết nối với nhau bằng cảm xúc.
Một bài viết tôi có thể gửi bạn tham khảo đến từ người chị của tôi - Mini Van trong WOTN#5 với bài viết Ngân hàng Ký ức - Cách giải cứu người viết “nghèo” ý tưởng và tôi nghĩ mình đã làm đúng trong việc mọi ký ức trong đời sống hằng ngày nên được lưu giữ lại dù nó vô tri.
Ai mà biết được có ngày nào đó trong tương lai, tôi lại đào đọc lại cả một file nhật ký hơn 42.000 từ chỉ để làm hơn 60 slides thuyết trình.
Tôi viết vì tôi nghĩ rằng, sẽ có một ngày nào đó trí nhớ mình ngày càng kém đi, và thứ cảm xúc dần bị thời gian làm cho phai mờ, để càng lâu, càng khó mà viết lại trọn vẹn.
Kể
Kể chuyện không phải là trường phái mà tôi tự tin hay nghĩ rằng mình có thể khuấy động bữa tiệc như hài độc thoại, dĩ nhiên để tự tin kể như hài độc thoại thì cũng cần luyện tập rất nhiều.
Vì thế bình thường tôi luôn chủ động ‘khóa mồm’ về những câu chuyện của mình.
Thế rồi một thời gian dài tôi khóa luôn cách mình tiếp cận những người xung quanh mình. Cho đến khi, một và nhiều người bạn của Xuyên Việt đã gửi lời nhắn sau chuyến đi với tôi kiểu:

Thế là, sau chuyến đi xuyên Việt tôi tự tin kể mãi những câu chuyện dài tập, chuyến đi nhớ đời mà.
Dĩ nhiên là tôi vẫn theo quy tắc 80 - 20, kể hết thì mất vui, nhưng tôi nghĩ tôi đã dạn dĩ hơn trong việc mở lời với người khác, và một tôi hiện giờ cũng đã tự tin trò chuyện với mọi người nhiều hơn so với trước kia nữa.
Càng đi tôi càng trân quý tiếng Việt mình đang sử dụng, từ lâu ngoài lúc học tiếng Anh ra và thỉnh thoảng những cuộc trò chuyện có chêm tiếng Anh hay ngôn ngữ khác (tùy hoàn cảnh để hòa nhập), thì tôi luôn ưu tiên dùng tiếng Việt. Tự tập nó cho quen, vì tôi sợ một điều rằng mình là người Việt mà mình lại không biết cách dùng tiếng Việt sao cho đúng thì lại kỳ lắm.
Ngôn từ có sức hút tuyệt đẹp, tôi không biết bằng diễn tả nó như thế nào. Tôi nhận ra vẻ đẹp trong giọng địa phương ở các vùng miền, cách mọi người dùng từ ngữ trong sinh hoạt hằng ngày. Nó làm tôi thôi thúc mình lại đi và khám phá tiếp cái vẻ đẹp đó.
Rồi 6 năm, 7 năm, 10 năm và hơn thế nữa. Chuyến đi này có được kể lại nữa chứ?
Dĩ nhiên, nhiều lúc tôi là kẻ nhai lại của quá khứ. Nhưng tôi biết có một sức mạnh rõ rệt trong chuyến đi này bơm mạnh mẽ vào từng tế bào và mạch máu: Đừng bỏ cuộc khi chưa về đích.

Và một chút nhắn nhủ…
Nếu được gửi lời khuyên cho bạn về chuyến đi, tôi chỉ mong bạn:
- Đi có mục đích rõ ràng, dù đôi khi nó đơn giản và vô tri như ngắm hoàng hôn ở Vũng Tàu trong ngày rồi về.
- Và hãy luôn đặt sự an toàn lên trên hết.
Có những chuyến đi vì mục tiêu là check-in nhưng vì số lượng địa điểm check in quá nhiều thành ra vội vã mà thời gian đi gấp rút. Tôi nghĩ, hãy chờ đến khi bạn thấy ‘duyên’, có thể bạn chẳng biết khi nào là duyên. Những sẽ có những lúc một động lực thôi thúc bạn và bạn biết là đến lúc rồi, mình đi thôi.
Kể từ chuyến đi đó, nhiều ước mơ ấp ủ khác đã có hình hài.
Tôi lại chăm tưới nước cho cái cây ra lá, ra hoa🍀
Tôi không nói mùa hè là tuyệt nhất với mình, vì tôi thấy mùa nào cũng có vẻ đẹp riêng của nó cả.
Nhưng, dĩ nhiên là có chữ nhưng… mùa hè năm nào tôi cũng khóc, mùa hè năm nay ngồi nhớ lại mùa hè năm ấy đã đủ khóc trong hạnh phúc nhiều chút.
Tạm biệt mùa hè.
Mình là My, mình hay viết này viết kia, đi đây đi đó.
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
Chị My can đảm quá <3
Mỗi lần nghe em kể về chuyến đi vào mùa hè năm đó, anh lại ồ oà sao lại xịn như thế được nhờ.